LIỆU TẾT CÓ CÒN GIỮ NGUYÊN PHONG VỊ THUỞ XƯA KIA?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Xem: 154 | Cật nhập: 3/13/2023 10:06:46 AM | RSS

Cùng chúng tớ cảm nhận bài viết dưới đây và trả lời cho câu hỏi ấy nhé!

 

Giá bán: VND

Giá trên web chỉ mang tính chất tham khảo.

S.lượng:

Tết Nguyên Đán - sự khởi đầu, đây là khoảng thời gian khởi nguyên cho một năm mới. Từ xưa, Tết vẫn mang những nét đẹp, bản sắc rất riêng. Song liệu đến thời nay – thời hiện đại, Tết có còn mang những phong vị ban sơ ấy?

Tết Nguyên Đán – sự khởi đầu, bắt đầu hay chính là thời khắc đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự chuyển giao thiêng liêng giữa năm mới và năm cũ. Nhưng hơn thế, Tết không chỉ gọi tên một khoảng thời gian mà nó còn gọi lên bao xúc cảm, bao yêu thương, sum vầy, hẳn là bởi thế nên từ thuở xưa, ta đã quen gọi Tết Nguyên Đán là Tết đoàn viên.

Sống ở những năm xưa cũ, có lẽ ông bà, cha mẹ lại có cảm nhận riêng về Tết những năm thuở ấy. Tết đến, xuân về và đọng lại với bao nét văn hóa truyền thống, với bao vẻ đẹp ban sơ, Tết được hiện thân trong cái dáng vẻ xưa cũ với ông đồ, tàu mực, với áo dài, hay vị Tết được gói trọn trong bánh chưng xanh, bánh tét dài hay đặc biệt hơn cả, Tết – tên gọi của một thứ xúc cảm: nôn nao, háo hức, trân trọng và thương yêu. Tết những năm ấy đơn sơ, dung dị, Tết bập bung trong bếp lửa, trong hơi ấm của sự quây quần, gắn kết, trong những câu chuyện rôm rả bên nồi bánh chưng. Hay Tết còn được gửi gắm yêu thương qua từng phong bao lì xì nho nhỏ nhưng may mắn, và cũng thật ấm áp. Bởi thế, thuở ấy, ta yêu và trân trọng nét đẹp của nó hơn cả, có thể ví nét đẹp ấy chưa bị pha tạp hay pha loãng bởi thứ tạp chất nào, là nét đẹp đơn thuần mà đáng quý nhất.

Quay lại những năm gần đây, Tết vẫn đến theo vòng tuần hoàn vốn có của nó, nhưng có chăng những nét đẹp xưa kia giờ đã dần phai nhạt? Tết vẫn được ví như khoảng thời gian ta được chững lại, được nghỉ chân giữa nhịp sống vội vã, gấp gáp của công việc, và cũng vì thế nên người ta chọn Tết như một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và tìm về bên gia đình. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà Tết được coi là một “quãng nghỉ” hơn là một “ngày lễ”. Có chăng, người ta chẳng còn nôn đến Tết, cái háo hức, nôn nao giờ đã thay bằng bao thứ xúc cảm khác. Tết chẳng còn được gọi tên bên bếp lửa bập bùng, bên bánh chưng, bánh tét với lá dong xanh, thịt mỡ, dưa hành. Song, không phải vì thế mà Tết mất đi giá trị của nó. Dẫu vậy, Tết vẫn được mang đến với tình yêu thương, sự trân trọng và nó vẫn được gọi trong ba chữ “Tết đoàn viên”, “Tết sum vầy”.

Tết – một nét đẹp văn hóa, một nét chấm phá trong bản sắc dân tộc Việt Nam và cũng là tên gọi cho một thứ tình cảm: tình cảm gia đình. Theo độ lùi của thời gian, Tết cũng có những thay đổi nhất định nhưng nó vẫn giữ được những giá trị cốt lõi.

Ta vẫn biết Tết là một vẻ đẹp rất riêng, một nét xưa giữa thời hiện đại, song dù biến hóa, thay đổi, dù “hòa nhập” nhưng có lẽ nó vẫn cần được giữ lại nét xưa đặc trưng, nguyên thuỷ. Bởi Tết đẹp nhất vì nó là Tết, là Tết đoàn viên, Tết yêu thương hay Tết sum vầy.